Được biết đến là phong cách mang nét vintage kiểu Anh, Shabby Chic đã ngày càng được ưa chuộng bởi lối thiết kế xưa cũ. Phong các Shabby Chic là một cách thiết kế tinh tế, lãng mạn, sang trọng và có phần đồng điệu với phong cách vintage đầy tính hoài cổ. Hãy cùng tìm hiểu phong cách này có điều gì đặc biệt.
Phong cách thiết kế nội thất Shabby Chic là lối thiết kế nội thất theo phong cách Vintage kiểu Anh với nhiều đồ đạc cũ kỹ, sáng màu và có chút dáng vẻ hư hỏng theo thời gian. Trang trí nội thất phong cách này bắt nguồn từ những ngôi nhà tại đồng quê nước Anh. Đặc trưng truyền thống của Shabby Chic là sử dụng những món đồ cũ như vải vóc, tranh ảnh, bàn ghế nội thất với màu sơn nhạt. Cách trang trí phong cách Shabby Chic đem lại môt không gian nội thất thanh lịch, trang nhã mà rất tự nhiên và thân thiện. Ngoài việc sử dụng những món hàng xuống cấp (wear and tear), những vật dụng mới cũng được sử dụng nếu nó được làm trông có vẻ cũ kỹ.
Phong cách Shabby Chic là một cuộc tìm kiếm những điều thân thuộc từ quá khứ. Không có những chi tiết phức tạp cầu kỳ, không cần quá câu nệ tính đồng bộ của đồ đạc nội thất, sự kết hợp ngẫu hứng của những đồ nội thất cũ kỹ “độc nhất” hướng tới sự thư giãn, hài hòa và gắn bó giữa người sử dụng với không gian sống, đồng thời cũng tràn đầy cảm hứng sáng tạo bởi tính ngẫu hứng và độc nhất khiến chúng giống như những tác phẩm nghệ thuật.
Đặc trưng của phong cách này là sử dụng các tông màu nhạt kết hợp với các món đồ gỗ với lớp sơn bong tróc, xờn xước, được sơn đi sơn lại nhiều lần hay như đã bị va đập bào mòn do sử dụng lâu ngày. Chính đặc tính này khiến Shabby Chic trở nên cảm giác gần gũi, thân thuộc, phóng khoáng như đã từng gắn bó lâu ngày với căn nhà của bạn.
Nội thất gỗ dáng vẻ cũ kỹ
Thực tế cho thấy, những phong cách thiết kế mang hơi hướng cổ điển, bắt nguồn từ các quốc gia châu Âu sẽ ưu tiên sử dụng nội thất gỗ trước rồi mới tới kim loại. Phong cách Shabby Chic cũng không ngoại lệ. Hầu hết đồ nội thất chính và những chi tiết nhỏ đều được làm bằng chất liệu gỗ với nhiều vết xước tự nhiên hoặc nhân tạo, mang hơi hướng hoài cổ.
Gần như bất kỳ nội thất gỗ nào cũng có thể biến tấu để phù hợp với phong cách này nhờ kỹ thuật sơn - cọ nhiều lớp như tranh sơn mài hoặc phủ lớp màu rồi dùng giấy nhám đánh bớt một chút sơn trên bề mặt, góc cạnh để tạo nên vết sứt, xước giống như đã được sử dụng lâu ngày, mang đến cảm giác gần gũi cho người dùng.
Bước vào ngôi nhà được bài trí theo phong cách Shabby Chic, chắc chắn bạn sẽ bắt gặp những món nội thất in đậm dấu ấn thời gian như bộ ghế sofa bọc vải lâu năm, tủ kệ sờn màu, ga giường hoặc rèm cửa đã úa màu...
Chuộng tông màu nhạt
Một trong những đặc trưng của phong cách nội thất Shabby Chic là sử dụng tông màu nhạt chủ đạo như trắng, hồng phớt, xám, xanh lá cây nhạt, tông pastel nhẹ nhàng. Các gam màu này được sử dụng phổ biến bởi chúng dễ dàng phối kết với nhau tạo thành không gian tổng thể hài hòa, bắt mắt. Để gia tăng chiều sâu cho căn phòng cũng như tạo điểm nhấn ấn tượng, gia chủ có thể điểm xuyết thêm gam màu tối tương phản, họa tiết kẻ sọc hoặc chấm bi bản to.
Lưu ý, bạn không nên sử dụng các mảng màu tối, đậm, trung tính trên diện tích lớn bởi chúng sẽ phá vỡ vẻ đẹp thanh lịch, trang nhã, duyên dáng của tổng thể không gian nội thất. Thay vào đó, màu sắc tươi sáng, nhẹ nhàng sẽ áp đảo về số lượng. Đây cũng chính là xu hướng màu sắc nội thất được nhiều người yêu thích hiện nay.
Vật dụng trang trí
Đặc trưng truyền thống của phong cách Shabby chic là sử dụng những món đồ cũ như vải vóc, tranh ảnh, bàn ghế nội thất với màu sơn nhạt. Ngoài việc sử dụng những món hàng xuống cấp (wear and tear), những vật dụng mới cũng được sử dụng nếu nó được làm trông có vẻ cũ kỹ.
Shabby Chic cũng cho phép bạn sử dụng vật trang trí khác nhau, thậm chí nếu nó không phù hợp về phong cách, kết cấu, màu sắc. Đây cũng là phong cách thiết kế nội thất khá tiết kiệm cho người sử dụng khi túi tiền khá hạn hẹp vì phong cách này gắn liền với tái chế đồ nội thất cũ.Có thể thấy rằng, vẻ đẹp nội thất từ phong cách này là vẻ đẹp tinh tế, giản dị, thanh lịch và nữ tính.
Phòng khách
Phòng khách là không gian trung tâm của ngôi nhà, nơi gây ấn tượng đầu tiên đối với các vị khách ghé thăm. Đồng thời, đây cũng là nơi các thành viên gia đình quây quần sum họp, chia sẻ những vui/buồn sau một ngày dài bận rộn. Do đó, phòng khách cần được bài trí sao cho vừa sang trọng, lịch sự vừa tạo cảm giác gần gũi, thân thiện. Theo đó, phong cách nội thất Shabby Chic được xem là lựa chọn lý tưởng.
Đối với không gian tiếp khách, bạn có thể sử dụng những món nội thất chính làm bằng chất liệu gỗ có nhiều vết sờn xước trên bề mặt, đồ kim loại đã hoen gỉ. Tâm điểm của phòng khách phong cách Shabby Chic là bộ ghế sofa lớn màu kem/trắng được bọc vải thô/lien tùy thích kết hợp gối tựa hình vuông đơn giản. Cùng với đó, chủ nhân có thể bổ sung thêm rèm cửa viền đăng ten điệu đà cho cửa sổ kính hoặc bộ trà kiểu vintage mộc mạc...
Phòng ngủ
Phong cách Shabby Chic thường được ứng dụng cho không gian ngủ nghỉ của những cô nàng yêu sự lãng mạn, thanh lịch đầy quyến rũ. Thậm chí, những chủ nhân chuộng sự tinh tế, sang trọng trong thiết kế phòng ngủ cũng có thể áp dụng nội thất Shabby Chic này.
Để tạo điểm nhấn hút mắt cho phòng ngủ phong cách Shabby Chic, gia chủ thường sắm mẫu giường bằng gỗ hoặc giường sắt sơn đen/trắng, kiểu dáng thanh thoát, kiểu cổ điển nước Anh. Mặt khác, bạn không nên bỏ qua những mẫu ga, gối tông màu pastel thanh lịch, họa tiết nhẹ nhàng. Để tạo điểm nhấn riêng biệt, mang đậm dấu ấn cá nhân, bạn hãy chọn rèm cửa, giấy dán tường theo sở thích, miễn sao hài hòa với tổng thể và tuân theo nguyên tắc phối màu của phong cách này.
Phòng bếp - ăn
Không quá khó khăn để bạn sở hữu một phòng bếp mang đậm phong cách Shabby Chic. Vẫn tuân theo nguyên tắc bài trí mộc mạc, cổ điển nhưng bạn nên chọn xu hướng tối giản để giúp không gian nấu nướng luôn thông thoáng, dễ chịu. Trong phòng chức năng này, bạn hãy ưu tiên sử dụng nội thất làm bằng chất liệu có nguồn gốc tự nhiên như bộ bàn ăn bằng gỗ hoặc mây tre đan; tường chắn bếp và mặt bàn bếp, đảo bếp, quầy bar ốp lát đá/gạch...
Lưu ý, phòng bếp phong cách Shabby Chic rất chú trọng ánh sáng tự nhiên. Thế nên, nếu có thể, gia chủ nên trổ thêm những ô cửa sổ cao rộng bằng kính trong suốt kết hợp khung gỗ để đón sáng hiệu quả, đồng thời tạo cảm giác rộng thoáng hơn cho căn phòng. Được chế biến những món ăn ngon cho gia đình trong không gian bếp này, bạn sẽ cảm nhận được sự tươi mới và tràn đầy năng lượng mỗi ngày.