Với người làm việc trong ngành xây dựng - nội thất, chắc hẳn đã từng nghe đến thước lỗ ban. Tuy nhiên, việc nắm rõ công dụng của thước lỗ ban là gì, cách sử dụng ra sao thì không phải ai cũng biết. Bài viết dưới đây sẽ thông tin đến bạn những điều đặc biệt về dụng cụ độc đáo này.
Lỗ Ban được xem là ông tổ của nghề mộc và nghề xây dựng của đất nước Trung Hoa. Có rất nhiều thuyết khác nhau về xuất thân gia thế của Lỗ Ban, tuy nhiên theo nguồn tài liệu được nhiều học giả đồng tình thì Lỗ Ban được biết đến là người thợ mộc giỏi của nước Lỗ (nay là tỉnh Sơn Đông) sống vào thời Xuân Thu (770-476 TCN).
Tên ông là Ban, họ là Công Thâu (hay cũng được đọc là Công Du). Lỗ Ban còn có nghĩa là “ông Ban người nước Lỗ”.Ông là một người thợ nổi tiếng thời cổ đại và cũng là một nhà phát minh xuất sắc. Từ ngàn năm nay, thợ mộc và thợ xây dựng Trung Quốc đều tôn thờ ông như một vị tổ sư, ngày vía là 13 tháng 6 Âm lịch.
Thước Lỗ Ban là cây thước được sử dụng đo đạc trong xây dựng Dương Trạch (nhà cửa) và Âm Trạch (mộ phần), trên thước Lỗ Ban có chia kích thước địa lý thông thường và các cung giúp phân định các khoảng tốt hay xấu, giúp người sử dụng biết được kích thước thế nào là đẹp nên sử dụng và kích thước nào là xấu nên tránh.
Thước Lỗ Ban nguyên thủy chỉ có 1 đoạn 42,9 cm chính vì thế nếu đo những vật có kích thước lớn sẽ dẫn đến sai số. Hiện nay có rất nhiều loại thước Lỗ Ban được bán trong các cửa hiệu tạp hóa dài đến 5 mét. Bạn có thể ra các hiệu tạp hóa để mua. (thậm chí trên những Thước này đã dịch ra ý nghĩa của các con số ra Tiếng Việt).
Ngày nay trên thị trường có rất nhiều thước Lỗ Ban với các kích thước khác nhau nhưng nếu tính về mức độ phổ biến thì sẽ có thước Lỗ Ban 52 cm theo lưu truyền ngàn đời nay và thước cuộn rút với kích thước lần lượt là 42,9 cm ở phía trên và 38,8 cm ở phía dưới. Tất nhiên tùy thuộc vào từng loại thước cũng như món đồ vật dự định đo đạc như cửa, bàn thờ, … mà sẽ có cách tính, xác định các “thông số vàng” khác nhau.
Trong xây nhà, sửa chữa nhà cửa, thường sử dụng phổ biến 3 loại thước Lỗ Ban 52cm, 42,9cm, 38,8cm. Hiện nay các loại thước này được tích hợp sẵn vào các loại thước rút 5m, 7m, 10m để tiện cho người sử dụng. Khi dùng thước này bạn chỉ cần chọn kích thước đúng vào những cung (ô) màu đỏ (cả cung to và cung nhỏ trên thước) là có kích thước đẹp, còn chọn cung màu đỏ nào là tùy vào mong ước của từng gia đình.
Tuy nhiên, trong việc xây dựng nhà cửa, mỗi chỗ lại cần phải dùng một loại thước Lỗ Ban phù hợp. Ví dụ : đo cửa thì dùng thước Lỗ Ban 52cm, đo bếp, bệ bậc thì dùng thước 42,9cm…Để tránh những nhầm lẫn tai hại, chúng tôi xin hướng dẫn cách dùng từng loại thước Lỗ Ban như sau:
Thước lỗ ban 38,8cm hay 39cm dùng trong Đồ nội thất, âm phần (bàn thờ, tủ, mộ phần…). Chiều dài chính xác của thước này là 390mm, được chia làm 10 cung lớn: theo thứ tự Đinh, Hại, Vượng, Khổ, Nghĩa, Quan, Tử, Hưng, Thất, Tài. Mỗi cung lớn dài 39mm, mỗi cung lớn lại được chia ra làm 4 cung nhỏ, mỗi cung nhỏ dài 9,75mm. Khi dùng thước, thấy thước nào có 10 cung lớn với tên như trên (Đinh, Hại, Vượng, Khổ…) thì đó là thước Lỗ Ban 38,8cm.
Thước lỗ ban 42,9cm dùng trong khối xây dựng (bếp, bệ, bậc…). Chiều dài chính xác của thước Lỗ Ban này là 429mm, được chia thành 8 cung lớn: Theo thứ tự từ cung Tài, Bệnh, Ly, Nghĩa, Quan, Nạn, Hại, Mạng. Mỗi cung lớn dài 53,625mm, mỗi cung lớn lại được chia ra làm 4 cung nhỏ, mỗi cung nhỏ dài 13,4mm. Khi dùng thước thấy thước nào có 8 cung lớn với tên như trên (Tài, Bệnh, Ly, Nghĩa…) thì đó là thước Lỗ Ban 42,9cm.
Thước lỗ ban 52,2cm dùng để đo khoảng không thông thủy (cửa đi, cửa sổ, chiều cao tầng, giếng trời…)
Chiều dài chính xác của thước Lỗ Ban này là 520mm. Được chia ra là 8 cung lớn: theo thứ tự từ cung Quý Nhân, Hiểm Họa, Thiên Tai, Thiên Tài, Nhân Lộc, Cô Độc, Thiên Tặc, Tể Tướng. Mỗi cung lớn dài 65mm, mỗi cung lớn lại được chia ra làm 5 cung nhỏ, mỗi cung nhỏ dài 13mm. Khi dùng thước thấy thước nào có 8 cung lớn với tên như trên (Quý Nhân, Hiểm Họa,..) thì đó là thước Lỗ Ban 52cm.
Đo cửa: đo kích thước thông thủy (thông khí) khung cửa, không đo cánh cửa.
Đo chiều cao nhà: đo từ mặt cốt sàn dưới lên mặt cốt sàn trên (bao gồm cả lớp lát sàn).
Đo vật dụng (bàn ghế, giường tủ…): đo kích thước phủ bì dài, rộng, cao hoặc đường kính.
Các bạn có thể lấy một tấm bìa giấy màu trắng dày, cứng cáp, hoặc nhờ thợ mộc cắt, bào cho bạn cái thước dày 3 mm, rộng60 mm, dài 520 mm, tất nhiên khi cắt chiều dài phải cho thật chính xác: 520 mm.
Sau đó các bạn có thể lấy bút bi để kẻ cái thước Lổ-Ban và điền tên các cung LỚN, cung NHỎ vào từng ô theo mẫu phía trên .Thế là các bạn đã có cái thước Lổ Ban để sử dụng khi cần.
Hy vọng bài viết giúp ích cho bạn cách sử dụng thước Lỗ Ban trong việc xây nhà, sửa chữa nhà cửa, đồ đạc vật dụng trong nhà của gia đình.