Bản vẽ kiến trúc

Trong xây dựng, bản vẽ kiến trúc đóng vai trò quan trọng trong việc thi công và giám sát. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa hiểu rõ về loại bản vẽ này, có người còn nhầm lẫn với bản vẽ dùng để xin giấy phép xây dựng. Bài viết dưới đây, Chúng tôi sẽ giải thích hết đến bạn đọc những vấn đề liên quan đến loại bản vẽ này, nó bao gồm những thành phần nào?  

Bản vẽ kiến trúc là gì?.

Có thể hiểu đơn giản, bản vẽ kiến trúc chính là một bộ hồ sơ bao gồm tất cả các yếu tố hoàn chỉnh về ngôi nhà. Trong bản vẽ, người thiết kế sẽ diễn giải ra hết các kích thước, hình dáng nhà, diện tích từng phòng để chủ nhà cũng như người thi công định hình được về công trình. Từ đó việc xây dựng ngôi nhà dễ dàng hơn, nhà thầu biết được ngôi nhà đó phải xây thế nào với kích thước và các công năng ra sao. 

Bản vẽ thiết kế kiến trúc nhà ở là một bộ hồ sơ từ 80 – 200 trang, gồm 3 phần chính: phần kiến trúc, phần kết cấu, phần điện và nước.

Phần kiến trúc

Phần này là kiểu dáng của ngôi nhà từ ngoài vào trong. Đầu tiên là mục phối cảnh mặt ngoài, ở phần này, chủ nhà sẽ hình dung được kiểu dáng, màu sắc phối với nhau như thế nào, vật liệu xây dựng sử dụng cho từng mảng,… Từ đó, chủ nhà sẽ thấy được ngôi nhà mình sau khi hoàn thiện.

Mặt bằng từng tầng: Đây là hình ảnh mặt cắt của ngôi nhà theo từng tầng, thể hiện vị trí, kích thước của từng mảng tường, cầu thang trong nhà. Bố trí các căn phòng trong nhà theo từng tầng, diện tích phòng cũng như hướng của các phòng với nhau. Trong đó sẽ có từng chú thích cụ thể để giúp chủ nhà xem và hiểu rõ ràng.

Bản vẽ kỹ thuật nhà phần kiến trúc

Phần kết cấu

Phần kết cấu sẽ bao gồm những yếu tố sau:

  • Mở đầu hồ sơ là những ghi chú chung trong xây dựng như: lớp thép bảo vệ trong bê tông, khoảng cách thép chịu lực của dầm, móc thép chịu lực, cấu tạo đai cột và dầm,…
  • Cấu tạo móng, mặt bằng móng: Phần này tùy thuộc vào đất và độ phức tạp của công trình để đưa ra những phương án thích hợp như móng cọc, móng đơn hay móng bè.
  • Mặt bằng định vị cột và chi tiết cột: Phần này thể hiện được vị trí và khoảng cách của những cột với nhau.
  • Kết cấu sàn tầng.
  • Phần thống kê cốt thép.

Nhìn chung, hồ sơ kết cấu sẽ tính toán những vật liệu sắt thép, dầm, cột, cầu thang đẹp để bảo đảm cho ngôi nhà được vững chắc và an toàn.

Phần điện nước

Về phần điện nước thì đóng vai trò khá quan trọng vì nó ảnh hưởng đến sự an toàn cũng như hoạt động, sinh hoạt dùng điện của gia đình. 

  • Bản vẽ kiến trúc phần điện sẽ bao gồm: Mặt bằng bố trí điện ở các khu vực có hệ thống sử dụng điện. Đồng thời là chống sét của tầng mái, chi tiết những thiết bị khác như tủ lạnh và internet … 
  • Về phần nước bao gồm: hệ thống cấp nước, thoát nước ở ngôi nhà của những tầng nào sử dụng WC, bếp cũng như phòng phòng phơi đồ … 

 

Tỷ lệ trong cách đọc bản vẽ thiết kế

Tỷ lệ của bản vẽ là tỷ số giữa kích thước đo trên hình biểu diễn và kích thước tương ứng ngoài thực tế. Tùy theo khổ bản vẽ, kích thước và mức độ phức tạp của đối tượng mà có thể chọn lựa một trong những tỷ lệ như: 1:5, 1:10, 1:50, 1:100, 1:200, 1:500, 1:1000 hay 1:2000. Tỷ lệ này tương ứng với những thông số như sau:

  • Tỷ lệ 1:50.000 tới 1:2000 là phạm vi tỷ lệ bản vẽ nhỏ, được thu nhỏ lại rất nhiều so với thực tế. Tỷ lệ này thường áp dụng với các kích thước lớn như bản đồ, bản đồ đô thị, vùng hay những thị trấn nhỏ. Loại tỷ lệ này cũng được sử dụng trong quy hoạch đô thị, tổng thể hay những khảo sát quan trắc trên không.
  • Tỷ lệ 1:1000 – 1:500 thường thấy khi cần tổng quan về công trình và vị trí của nó trong mạng lưới đô thị. Đặc điểm của tỷ lệ này là làm nổi bật những cơ sở hạ tầng và một số thành phần khác. Tỷ lệ này hữu ích cho những cuộc khảo sát về chiều cao công trình cũng như khu đất sử dụng.
  • Tỷ lệ 1:250 – 1:200 thường tập trung cho mặt bằng, mặt cắt và mặt đứng trong những tòa nhà lớn. Thậm chí có thể xem xét tới những thành phần không gian và bố cục.
  • Tỷ lệ từ 1:150 – 1:100 có thể sử dụng cho những phương pháp tiếp cận đầu tiên của các tác phẩm và công trình nhỏ. Trong trường hợp những tòa nhà lớn hơn, kiến trúc sư sẽ dự tính bản vẽ và mô hình chi tiết hơn, bao gồm những yếu tố cấu trúc và bố cục được xác định rõ ràng.
  • Tỷ lệ 1:75 – 1:25 kết cấu, bố cục và sự liên hệ giữa các tầng hoặc cũng có thể phóng to từng căn phòng để chi tiết hơn với những thành phần cụ thể như hệ thống ống nước, điện hoặc kết cấu.
  • Tỷ lệ 1:20 – 1:10 là đại diện cho vật dụng nội thất, trình bày hoạt động của những thành phần cũng như cấu trúc, thể hiện chi tiết bản vẽ.
  • Tỉ lệ 1:5 – 1:1 đòi hỏi việc truyền đạt những chi tiết kỹ thuật với độ chính xác cao hơn.
  • Tùy vào quy mô công trình cũng như yêu cầu thực tế khi thiết kế để chọn ra tỷ lệ thích hợp. Tỷ lệ thường sử dụng nhất là 1:100 cho những hồ sơ thiết kế nhà, biệt thự hay nhà phố hiện đại.

Những ký hiệu thường gặp trong bản vẽ xây dựng

Cửa sổ, lỗ trống trong bản vẽ cũng có các ký hiệu riêng. Dưới đây là các ký hiệu thường gặp trong quá trình đọc bản vẽ xây nhà phần thô mà bạn nên nắm được.

Các ký hiệu vật liệu trong bản vẽ xây dựng mà bạn nên chú ýCác ký hiệu thường gặp trong bản vẽ lát cắt xây dựng

Cách đọc bản vẽ kiến trúc

Dưới đây là cách đọc bản vẽ kỹ thuật kiến trúc, phần này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bản vẽ kỹ thuật nhà.

Cách đọc bản vẽ mặt bằng

Trong hồ sơ thiết kế, bản vẽ kiến trúc đầu tiên là bản vẽ quy hoạch tổng mặt bằng. Mặt bằng ngôi nhà chính là hình cắt bằng của các tầng với những mặt phẳng cắt tưởng tượng nằm ngang và cách mặt sàn khoảng 1,5m.

Mặt bằng của công trình thể hiện những khoảng không gian như phòng ngủ, phòng khách, phòng bếp, phòng sinh hoạt chung, phòng vệ sinh, cửa, hành lang, cầu thang…

Mặt bằng tầng 1 theo tỷ lệ 1:100

Bạn cần lưu ý các điều sau về dãy kích thước khi đọc bản vẽ mặt bằng:

  • Dãy kích thước sát đường bao của mặt bằng ghi kích thước những mảng tường và lỗ cửa.
  • Dãy thứ 2 ghi kích thước khoảng cách những trục tường, trục cột,…
  • Dãy ngoài cùng ghi kích thước giữa những trục tường biên theo chiều dọc hay chiều ngang của ngôi nhà.

Cách đọc chính xác bản vẽ thiết kế mặt bằng

  • Kích thước chiều dài, chiều rộng mỗi phòng.
  • Những kích thước để xác định vị trí và chiều rộng cửa nằm trên tường hoặc vách ngăn trong nhà.
  • Kích thước và chiều dày tường, vách ngăn, mặt cắt các cột.
  • Kích thước ghi diện tích từng phòng, sử dụng đơn vị diện tích là m2 nhưng không ghi đơn vị sau con số kích thước và có nét gạch dưới con số chỉ diện tích.
  • Trong bản vẽ mặt bằng này, bạn sẽ thấy những ký hiệu vật dụng nội thất như bàn, ghế sofa, tủ, giường ngủ, chậu rửa, bồn tắm… Trên mặt bằng còn có cầu thang chỉ hướng đi lên, thể hiện bằng đường gấp khúc nếu đó là nhà cao tầng.

Cách đọc bản vẽ mặt đứng

Bản vẽ mặt đứng là hình cắt sử dụng mặt phẳng cắt song song với mặt phẳng hình chiếu đứng. Đối với những công trình kiến trúc thì mặt đứng là hình chiếu thẳng góc thể hiện hình dáng bên ngoài của ngôi nhà. Bản vẽ này thể hiện vẻ đẹp về nghệ thuật, hình dáng, tỷ lệ cân đối giữa các kích thước cũng như từng khoảng không gian của ngôi nhà.

Mặt đứng là hình dáng bên ngoài của ngôi nhà, có thể nhìn từ trước, phía sau hay bên trái, bên phải.

Bản vẽ các mặt đứng của công trình

Trong bản vẽ mặt đứng không cần ghi kích thước, nếu cần có thể ghi thêm tên trục tường biên phù hợp với trục ghi trên mặt bằng. Chẳng hạn như mặt đứng trục A-C là hướng nhìn vào mặt tiền của ngôi nhà, mặt đứng trục 5-1 là hướng nhìn vào ngôi nhà từ bên phải, mặt đứng trục 1-5 là hướng nhìn vào ngôi nhà từ bên trái và hướng trục C-A là hướng nhìn ngôi nhà từ phía sau. Đây là các điểm cần chú ý để có cách đọc bản vẽ xây dựng đơn giản, chính xác.

Cách đọc bản vẽ mặt cắt

Bản vẽ mặt cắt của ngôi nhà là những hình cắt thu được khi sử dụng một hay nhiều mặt cắt tưởng tượng thẳng đứng, song song với những mặt phẳng hình chiếu cơ bản cắt ngang qua không gian trống của ngôi nhà. Nếu mặt cắt bố trí dọc theo chiều dài thì đó là hình cắt dọc, nếu bố trí theo chiều ngang của ngôi nhà thì gọi là hình cắt ngang.

Mặt cắt này cho bạn biết chiều cao của từng tầng, cửa sổ và cửa ra vào, kích thước tường, cầu thang cũng như vị trí và hình dáng chi tiết kiến trúc ngang trang trí bên trong phòng.

Bản vẽ mặt cắt 1-1 của ngôi nhà

Cách đọc bản vẽ phối cảnh

Bản vẽ phối cảnh sẽ cho hình ảnh giống như thực tế về công trình cần xây dựng, giúp bạn hình dung được ngôi nhà của mình sẽ như thế nào sau khi hoàn thiện.

Hiện nay, với công nghệ hiện đại cũng như nhiều phần mềm khác nhau, các kiến trúc sư có thể tạo bản vẽ phối cảnh với màu sắc tự nhiên tương tự ngôi nhà thật.

Bản vẽ kiến trúc cung cấp rất nhiều thông tin cần thiết, giúp cho việc xây dựng nhà ở dễ dàng hơn. Chính vì thế mà việc thực hiện bản vẽ kỹ thuật nhà là hết sức cần thiết. 

 

0979.603.425