Biện pháp trát tường điển hình

Quy trình xây nhà diễn ra theo từng giai đoạn, sau khi xây thô, giai đoạn tiếp theo là trát và hoàn thiện ngôi nhà. Quy trình trát tường nhà cần thực hiện đúng kĩ thuật, tiểu chuẩn để tránh được những rủi ro như nứt vỡ sau này.

Chúng tôi xin giới thiệu biện pháp thi công trát của một công trình xây dựng điển hình.

MỤC ĐÍCH

Biện pháp thi công công tác trát hướng dẫn quy trình thi công công tác trát, đảm bảo công tác thi công trát đạt yêu cầu chất lượng theo quy định.

TIÊU CHUẨN ÁP DỤNG

  • TCVN 3121:2003 Vữa xây dựng-Phương pháp thử.
  • TCVN 4314:2003  Vữa xây dựng-Yêu cầu kỹ thuật.
  • TCVN 4506:2012  Nước trộn bê tông và vữa.
  • TCVN 9202:2012  Xi măng xây trát.
  • TCVN 9377-2-2012-Phần 2: Công tác trát.

VẬT LIỆU VÀ DỤNG CỤ

VẬT LIỆU

  • Vữa xi măng cát mịn, cường độ 7.5N/mm2(mác 75). Tỉ lệ xi măng cát theo cấp phối thiết kế.
  • Xi măng PC30 Hoàng Long hoặc tương đương.
  • Cát mịn Sông Hồng hoặc tương đương, cát sạch, hạt mịn đồng nhất. Trước khi trộn phải được sàng qua sàng có đường kính Dmax<=1.25mm.
  • Nước giếng khoan tại công trường, đảm bảo tiêu chuẩn nước trong xây dựng.
  • Tất cả vật liệu sử dụng đều có nguồn gốc xuất xứ rõ rang và phải được thí nghiệm đạt yêu cầu về chủng loại, chất lượng, phải được nghiệm thu bởi tư vấn giám sát trước khi đưa vào sử dụng. 

DỤNG CỤ.

  • Máy trộn, xe vận chuyển vữa, máng đựng vữa, bạt..
  • Máy laze, ống ti ô, thước mét, thước nhôm, bay, bàn xoa,…
  • Dàn giáo, dây an toàn, hệ thống chiếu sáng…

CÁC BƯỚC THỰC HIỆN

 BƯỚC 1: CHUẨN BỊ   

  • Công việc trát được tiến hành sau khi đã được nghiệm thu khối tường xây. Các hệ thống, các chi tiết ngầm: hệ thống điện, truyền hình, internet,…trên tường đã được lắp đặt và nghiệm thu.
  • Tập kết vật liệu tại hiện trường
  • Lắp dựng dàn giáo an toàn với bức tường cao và khi thi công trát ngoài.
  • Don vệ sinh sạch chân tường trước khi trát

BƯỚC 2: XỬ LÝ TƯỜNG

  • Khảo sát tường, chèn kín các lỗ hở lớn, đục các vị trí bị lồi, xử lý phẳng cho bề mặt trát.
  • Bề mặt trát cần được cọ rửa sạch sẽ bụi bẩn, làm sạch rêu mốc, tẩy sạch dầu mỡ bám dính và làm sạch.
  • Xác định các bức tường cần trát.
  • Kiểm tra vị trí kích thước cửa đi và cửa sổ.
  • Tưới nước ẩm tường gạch, tránh hiện tượng tường khô hút nước vữa nhiều gây hiện tượng nứt.

BƯỚC 3: ĐẮP MỐC TRÁT(CÔNG TÁC GHÉM)

  • Xác định cao độ trát, mặt phẳng trát bằng các mốc trát
  • Chiều dày mốc trát được xác định qua đường mực gửi dưới chân sao cho đường thẳng đi qua 2 mốc song song với đường mực gửi và khoảng cách thông thủy giữa 2 bức tường đảm bảo yêu cầu.
  • Khoảng cách giữa hai mốc trát liền nhau nhỏ hơn 2m. Mốc trát thấp nhất cách sàn bê tông 20cm, mốc trát cao nhất cao hơn mép trần hoàn thiện 10cm.
  • Chiều dày mốc trát đảm bảo:

              + Chiều dày tường 100mm sau khi trát 2 mặt là 130mm
              + Chiều dày tường 110mm sau khi trát 2 mặtlà 140mm
              + Chiều dày tường 220mm sau khi trát 2 mặtlà 250mm
              + Tim tường gạch trùng với tim tường sau khi trát.

BƯỚC 4: ĐÓNG LƯỚI VÀ VẨY NHÁM LIÊN KẾT

Nhằm tăng sự liên kết giữa lớp vữa với tường xây và bê tông sử dụng phương án đóng lưới tại vị trí liên kết giữa tường xây và bê tông cột, vách,lõi,dầm, sàn…Tại vị trí cấu kiện bê tông(cột,vách,lõi,dầm,sàn,…)cần sử dụng xi măng hồ dầu vẩy, tạo độ nhám cho bề mặt trước khi trát.

Đóng lưới

  • Dùng lưới ô vuông 5x5mm rộng 200mm, liên kết 100mm vào bê tông và 100mm liên kết vào tường xây. Đóng lưới ở các vị trí sau:
  • Tường xây giáp cột,vách,lõi,dầm, sàn kết cấu.
  • Vị trí lanh tô cửa đi, cửa sổ.
  • Phía trên và dưới vị trí giằng tường ngang.

Tạo nhám bề mặt vách, cột bê tông

 Bề mặt bê tông phẳng, nhẵn do đó sẽ làm giảm liên kết giữa bề mặt bê tông và lớp vữa trát. Ta dùng xi măng hồ dầu ướt vẩy lên bề mặt bê tông. Vẩy nhám lên bê tông ít nhất một ngày trước khi trát để hồ dầu đạt đủ độ cứng. 

Chi tiết đóng lưới

Chi tiết mặt cắt A-A

BƯỚC 5: TIẾN HÀNH TRÁT

  • Trải một lớp ván hoặc bạt phía dưới chân tường để thu hồi lại lượng vữa rơi khi trát.
  • Xác định cao độ trát, cao độ trát cao hơn 10cm với cốt trần hoàn thiện tại vị trí không trát trần.
  • Dùng bay xúc vữa lên bàn xoa vào một lớp vữa mỏng nhỏ hơn 8mm và lớn hơn 5mm lên mặt tường.
  • Tiến hành trát hết lớp một của bức tường.
  • Khi bề mặt lớp một se lại tiến hành trát tiếp lớp 2. Dùng thước nhôm dài gạt phẳng bề mặt đúng với các mốc trát.
  • Khi cán xong, gạt vữa ở thước, rà xem bề mặt vữa chỗ nào thiếu thì bù vữa, chỗ nào thừa thì gạt đi sao cho bề mặt phẳng đều.
  • Bắt tay vào xoa. Xoa từ trên xuống dưới, chỗ nào khô thì thêm nước, chỗ nào ướt quá thì chờ se mặt rồi mới xoa, không được xoa ép dễ bị nứt.
  • Sau khi xoa phẳng mặt, dùng thước nhôm cắt thẳng mép trên cùng của lớp trát.
  • Đối với góc vuông cần dùng ke góc để trát.
  • Khi ngừng trát phải tạo mạch ngừng hình gãy khúc giữa hai mảng tường trát, không để phẳng, cắt lớp vữa trát thẳng góc.
  • Đối với lớp trát dày hơn 2cm phải có lưới thép 5x5mm giữa hai lớp vữa.
  • Trong quá trình trát cần luôn kiểm tra độ phẳng, độ thẳng đứng, độ vuông góc của các bức tường.
  • Dung sai cho phép của bề mặt trát không được vượt quả dung sai trong bảng 4 của ‘’TCVN 9377-2:2012 Công tác trát’’

BƯỚC 6: VỆ SINH VÀ BẢO DƯỠNG

  • Sau khi trát xong phải vệ sinh sạch sẽ vữa rơi trên sàn và tường, trên sàn chắn vật rơi đối với công tác trát ngoài.
  • Trong điều kiện thời tiết nắng nóng hoặc khô hanh, 24h sau khi trát thì tiến hành phun ẩm để bảo dưỡng và phòng tránh hiện tượng rạn nứt bề mặt trát.
  • Chú ý bảo dưỡng bề mặt trát, luôn giữ ẩm(tưới nước) cho bề mặt trát từ 5 đến 7 ngày.

CÔNG TÁC AN TOÀN

  • Người công nhân tham gia công tác trát phải được huấn luyện an toàn lao động, được trang bị đầy đủ các trang thiết bị bảo hộ lao động
  • Cán bộ an toàn thường xuyên kiểm tra nhắc nhở công nhân. Công nhân khi vi pham nguyên tắc an toàn sẽ bị xử phạt theo quy định.
  • Làm việc trên cao phải đeo dây an toàn. Không làm việc trên giàn giáo khi trời tối, mưa to, giông bão…
  • Đặt các biển báo nguy hiểm, dướng dẫn, che chắn các lỗ mở thông tầng, lỗ M&E, thang máy….
  • Chất thải(gạch vụn, xà bần…) phải được thu gom vào bao tải hoặc thùng, tập kết một vị trí rồi vận chuyển xuống bằng vận thăng, cần trục…
  • Công nhân làm việc với xi măng hoặc sàng cát phải đeo khẩu trang để tránh hút bụi bảo vệ sức khỏe.
  • Bố trí đầy đủ ánh sáng phục vụ công tác thi công và đi lại trên công trường.

YÊU CẦU KỸ THUẬT CỦA KHỐI TRÁT

  • Lớp vữa trát phải dính chắc với kết cấu, không bị bong bộp. Kiểm tra độ bám dính thực hiện bằng cách gõ nhẹ lên mặt trát. Chỗ nào bị bộp phải đục ra trát lại.
  • Mặt trát phẳng, không gồ ghề cục bộ.
  • Bề mặt vữa không được có vết rạn chân chim, không có vết vữa chẩy, vết hằn của dụng cụ trát, vết lỗi lõm, không có các khuyết tật góc cạnh, gờ chân tường, gờ chân cửa, chỗ tiếp giáp với các vị trí đặt thiết bị điện, vệ sinh thoát nước…
  • Các đường gờ cạnh cửa của tường phải thẳng, sắc nét. Các đường vuông góc phải kiểm tra bằng thước vuông. Các cạnh cửa sổ, cửa đi phải song song nhau. Mặt trên của bệ cửa có độ dốc theo thiết kế. Lớp vữa trát chèn sâu vào nẹp cửa khuôn ít nhất 10mm.

 

0979.603.425