Phương pháp thi công cột

Trong các công trình xây dựng, cột là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực của công trình khi sử dụng. Nguyên tắc bố trí thép cột có tầm quan trọng tới chất lượng của công trình. Vậy nguyên tắc bố trí thép cột như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây. 

Phương pháp thi công cột

Xác định tim, trục cột

Dùng 2 máy kinh vĩ đặt theo 2 phương vuông góc để định vị vị trí tim cốt của cột, các mốc đặt ván khuôn, sơn và đánh dấu các vị trí này để các tổ, đội thi công dễ dàng xác định chính xác các mốc, vị trí yêu cầu.

Lắp dựng cốt thép

Yêu cầu của cốt thép dùng để thi công là:

  • Cốt thép phải được dùng đúng chủng loại, đường kính, kích thước, số lượng và vị trí theo bản vẽ.
  • Cốt thép phải sạch, không han rỉ, không dính bẩn
  • Khi gia công: Cắt, uốn, kéo hàn cốt thép tránh không làm thay đổi tính chất cơ lý của cốt thép.

Cốt thép được gia công ở phía dưới, cắt uốn theo đúng hình dáng và kích thước thiết kế, xếp đặt theo từng chủng loại, buộc thành bó để thuận tiện cho việc dùng cần cẩu vận chuyển lên vị trí lắp đặt.

Cốt thép được buộc bằng các dây thép mềm d = 1mm, các khoảng nối phải đúng yêu cầu kỹ thuật .Phải dùng các con kê bằng bê tông nhằm đảm bảo vị trí và chiều dày lớp bảo vệ cho cốt thép.Theo tiêu chuẩn Việt Nam, chiều dài nối buộc tối thiểu của cốt thép dầm là 30D  trong đó D là đường kính thanh thép.
Lưu ý: đoạn nối thép không nhỏ hơn 250mm.

Quy cách nối buộc cốt thép dầm chồng lên nhau cần được thực hiện theo quy định của thiết kế. Về cơ bản quy cách nối thép phải thỏa mãn các yêu cầu sau:

  • Không nối quá 50% diện tích cốt thép trên mặt cắt ngang của tiết diện – nối so le.
  • Không nối tại vị trí chịu lực lớn và chỗ uốn cong.
  • Trong mối nối cần được buộc ít nhất là 3 vị trí (ở giữa và 2 đầu)

Như vậy vùng nối thép cột đúng theo tiêu chuẩn sẽ là 2/3 chiều dài cột tính từ mặt sàn lên. Tuy nhiên để dễ thi công đối với các công trình nhỏ thiết kế thường cho phép nối sắt mặt dầm và tăng cường thêm thép đai tại đoạn nối. Đoạn nối nên uống cổ trai thanh trên (Đối với thép có đường kính lớn hơn hoặc bằng 18mm) để đảm bảo tính đồng trục của thép cột và đủ lớp bảo vệ bê tông.

Việc lắp dựng cốt thép phải đảm bảo:

  • Các bộ phận lắp dựng trước không gây ảnh hưởng, cản trở đến các bộ phận lắp dựng sau.
  • Có biện pháp giữ ổn định vị trí cốt thép, đảm bảo không biến dạng trong quá trình thi công.
  • Sau khi lồng và buộc xong cốt đai, cố định tạm ta lắp ván khuôn cột.

Lắp dựng ván khuôn cột

 

  • Ván khuôn cột được cấu tạo từ gỗ xẻ, gỗ dán, thép tấm, nhựa….
  • Ván khuôn cột có thể lắp , tháo rời từng mảng từng mặt cột.Được dựng bằng thủ công hoặc đưa vào bằng cần trục và lắp ghép.
  • Kiểm tra, điều chỉnh vị trí ván khuôn  bằng quả dọi hoặc máy kinh vỹ
  • Định vị bằng các cây chống xiên hoặc ngang, dây neo…

Đổ bê tông cột

  • Bê tông phải đổ liên tục không ngừng tuỳ tiện, Đổ bê tông cột có chiều cao nhỏ hơn 5m thì nên đổ liên tục.
  • Khi đổ bê tông phải đổ theo trình tự đã định, đổ từ xa đến gần, từ trong ra ngoài, bắt đầu từ chỗ thấp trước, đổ theo từng lớp, xong lớp nào đầm lớp ấy.
  • Chiều cao rơi tự do của bê tông không quá 1,5m – 2m để tránh phân tầng bê tông.
  •  Sử dụng đầm dùi kĩ để tránh lỗ hổng, bọt khí gây ảnh hưởng đến chịu lực của cột về sau.
  • Cột có kích thước cạnh nhỏ hơn 40cm và các cột bất kì nhưng có đai cốt thép chồng chéo thì nên đổ liên tục trong từng giai đoạn có chiều cao 1,5m.
  • Cột cao hơn 5m nên chia làm nhiều đợt nhưng phải đảm bảo vị trí và cấu tạo mạch ngừng thi công hợp lí.

Tháo dỡ ván khuôn cột

Tháo dỡ cẩn thận, tránh làm sứt vỡ cấu kiện. Thời gian tối thiểu tháo ván khuôn cột là 36-48h.

Những yêu cầu kỹ thuật của biện pháp thi công cột 

  • Đảm bảo cột không bị biến dạng khi các yếu tố bên ngoài tác động, do trọng lượng của bê tông cốt thép trong khi thi công
  • Hình dáng và kích thước của cấu kiện khuôn ván phải đúng, bịt kín 4 góc để khi đổ bê tông không bị chảy ra ngoài và đầm lèn lên
  • Những cây chống xung quanh phải đảm bảo quy cách, chất lượng. Tính toán cụ thể  để chia mật độ các cây chống cho hợp lý và cố định chắc chắn để không xê dịch khi thi công
  • Khi đổ bê tông phải đổ từ từ và dùng vòi đổ đưa vào cột để đẩy xuống và dàn đều các lớp

Những lưu ý khi thi công cột

  • Vấn đề tối quan trọng khi thi công là đảm bảo được độ an toàn cho người thi công công trình. Những biện pháp phòng hộ tuyệt đối đầy đủ, như vậy thì tâm lý người làm việc mới vững và yên tâm mang lại hiệu quả công việc cao.
  • Những thiết bị, nguyên vật liệu dùng phục vụ cho công trình trước khi đưa vào thi công cần bảo quản ở những nơi có điều kiện tốt để không làm ảnh hưởng đến chất lượng thành phẩm. Chỉ cho phép những người có chuyên môn hoặc đội ngũ thi công chuyên nghiệp sử dụng, không để người ngoài sử dụng. Xi măng cần kiểm tra hạn sử dụng, sắt thép đảm bảo không hoen gỉ nhiều,…
  • Kiểm tra kỹ các vật dụng, máy móc, công cụ hỗ trợ trước khi thi công, các hệ thống liên quan. Đảm bảo mọi thứ đều sẵn sàng, hoặc là thừa chứ không được phép thiếu. Ví dụ như khi đang thi công mà cát sỏi hoặc xi măng hết giữa chừng thì nó sẽ ảnh hưởng đến tiến độ công trình cũng như thành phẩm chất lượng không cao.
  • Nên chọn ngày trước khi thi công để tránh các yếu tố thời tiết ảnh hưởng. 
  • Các quá trình thi công đảm đi đúng trình tự, không đảo lộn các bước với nhau. Từng giai đoạn phải phù hợp, không làm ẩu, làm phá quy tắc chung dẫn đến những rủi ro không mong muốn. 
  • Các bước kiểm tra, bảo dưỡng chất lượng sau khi đổ cũng rất quan trọng, chủ công trình không nên sơ sài, qua loa trong bước này. 
  • Tính toán sử dụng lượng nhân công đủ để làm trong một buổi sáng hoặc chiều là xong là tốt nhất. Tránh để thời gian đổ cách nhau quá lâu hoặc ngày trước ngày sau mới đổ thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng hai phần đó. Các điểm đo đạc, xác định vị trí lắp đặt phải chuẩn đúng như bản thiết kế, có thể được phép sai số, nhưng không được sai quá nhiều gây ảnh hưởng đến các vị trí khác.
0979.603.425