Quy trình thi công xây dựng - Cơ bản và chuyên nghiệp

Hiện nay, khi thi công xây dựng nhà nhiều gia chủ không nắm được quy trình tiến hành xây dựng nên rất lúng túng. Điều này có thể dẫn đến những bất trắc về giấy phép, xây dựng nhà không đúng quy định chung hoặc không phù hợp với yêu cầu.

Vẫn còn rất nhiều người hiểu sai việc thi công công trình chỉ đơn giản là xây mới công trình, thực chất nó còn bao hàm rất nhiều khâu quan trọng khác. Vậy quy trình thi công xây dựng đầy đủ gồm những gì, hãy theo dõi bài viết này nhé.

Thi công xây dựng là gì?

Thi công xây dựng bao gồm việc xây dựng, lắp đặt nội ngoại thất cho công trình mới; sửa chữa, cải tạo, phục hồi công trình cũ; bảo trì công trình đã thi công hoặc di dời, phá dỡ công trình đã hết hạn.

Về cơ bản quy trình thi công sẽ gồm 3 giai đoạn chính: Chuẩn bị - Thi công - Bàn giao. Để một công trình có quá trình thi công xây dựng ít xảy ra sai xót nhất thì cần có một quy trình rõ ràng, chặt chẽ.

Công tác chuẩn bị

Trước khi thi công xây dựng cần hoàn thiện các thủ tục về xin phép đầu tư và xin phép xây dựng.

Chuẩn bị giải phóng mặt bằng được quy hoạch.

Chọn nhà thầu uy tín cho việc thiết kế và thi công xây dựng.

Chuẩn bị hồ sơ giấy phép xây dựng gồm:

  • Giấy phép xây dựng
  • Bản vẽ xin phép xây dựng

Chuẩn bị hồ sơ thiết kế xây dựng chi tiết làm căn cứ kỹ thuật thi công.

Định vị ranh công trình, xác định cao độ chuẩn +0.000

Công tác chuẩn bị của nhà thầu thi công

  • Lập tiến độ thi công.
  • Lập hồ sơ danh sách cán bộ, công nhân thi công trên công trường và các giấy tờ liên quan.
  • Tổ chức công trường, làm lán trại cho công nhân (nếu mặt bằng công trình cho phép).
  • Vận chuyển thiết bị, vật tư và chuẩn bị mặt bằng thi công.
  • Dọn dẹp mặt bằng thi công, định vị tim cột, móng, đo đạc, kiểm tra hiện trạng đất giữa thực tế và bản vẽ xin phép xây dựng.
  • Xác định cao độ hiện trạng và cao độ thiết kế so với cao độ chuẩn (thường là mặt đường, lề đường hoặc tim đường).
  • Lập biên bản bàn giao mặt bằng (trong đó có sự xác nhận của chủ đầu tư và chủ sở hữu các công trình lân cận về ranh đất và ranh giới xây dựng), xác định ngày khởi công.
  • Các công trình nằm giữa khu đất trống thì cần phải nhờ cơ quan chức năng đo đạc và xác định tọa độ chính xác.
  • Lưu lại hình ảnh hiện trạng của công trình và các công trình lân cận để tránh các vấn đề rủi ro về tranh chấp pháp lý sau này.
  • Treo biển báo xây dựng công trình như biển báo thông tin công trình, biển cảnh báo, biển báo an toàn lao động,..
  • ​Liên hệ với cơ quan điện, nước để di dời đồng hồ điện, đồng hồ nước trước khi khởi công. (Nếu vướng mắc thi công)

Công tác thi công

Sau khi hoàn thành hết thủ tục giấy tờ nhà thầu thi công tiến hành công việc theo bản vẽ được thống nhất giữa các bên.

Thi công móng và công trình ngầm

 Có thể nói rằng đây là một trong số những giai đoạn quyết định xem chất lượng công trình có được đảm bảo hay không. Nếu công đoạn này không được thực hiện kỹ lưỡng có thể dẫn tới nền móng nhà không vững chắc dễ gây ra các hậu quả sau này. Giai đoạn nay bao gồm các bước:

  • Đào đất hố móng, dầm móng, đà kiềng, bể phốt, bể nước ngầm, lấp đất, vận chuyển đất đào đi đổ (bằng thủ công hoặc cơ giới).
  • Đập đầu cọc BTCT (đối với công trình có móng thi công bằng phương pháp ép cọc hoặc khoan cọc nhồi).
  • Đổ bê tông lót Mac100 dày 100mm đáy móng, dầm móng, đà kiềng, cổ cột, sàn trệt.
  • Sản xuất lắp dựng (SXLD) cốp-pha, cốt thép móng, dầm móng, đà kiềng, cổ cột, sàn trệt.
  • SXLD cốt thép, cốp-pha và đổ bê tông đáy và nắp hầm phân, hố ga, bể nước ngầm.
  • Nghiệm thu công tác lắp dựng ván khuôn, cốt thép.
  • Đổ bê tông đáy móng, dầm móng, đà kiềng, cổ cột, sàn trệt,…
  • Lập biên bản nghiệm thu, với từng hạng mục sau khi thi công xong trước khi thi công những hạng mục kế tiếp.
  • Đối với nhà xây chen, móng băng hoặc móng có thể tích đào đất lớn cần thi công cuốn chiếu từng phần, từng móng một nhằm ngăn ngừa sạt lở đất, nhất là vào mùa mưa.
  • Kiểm tra định vị tim cổ cột chính xác trước khi đổ bê tông.
  • San lấp đất, tôn nền (nếu có). Lưu ý: Cần có bản vẽ hoàn công của phần ngầm trước khi tiến hành công việc tiếp theo.

Thi công phần thô

Xây dựng phần thô là xây dựng hệ thống khung kết cấu bê tông cốt thép và hệ thống tường, vách ngăn của của công trình. Khâu thi công xây dựng phần thô là khâu quan trọng bởi nó quyết định trực tiếp đến chất lượng, tuổi thọ, cấu trúc và các vấn đề an toàn cho công trình.

  • SXLD cốt thép, cốp-pha cột, dầm, sàn các tầng, sân thượng, mái.
  • SXLD cốt thép, cốp-pha và đổ bê tông cầu thang và xây bậc cầu thang bằng gạch thẻ (không tô bậc).
  • Nghiệm thu công tác lắp dựng ván khuôn, cốt thép.
  • Đổ bê tông cột, dầm, sàn các tầng, sân thượng, mái, cầu thang.

  • Lập biên bản nghiệm thu với từng hạng mục.
  • Khi chuẩn bị lắp dựng ván khuôn cột, dầm, sàn cần lưu ý chừa 2cm tính từ ranh đất giữa 2 công trình lân cận để tô 2 vách tường bao đó , nếu tường nhà bên cạnh đã tô thì vẫn bỏ 2cm.
  • Khi đặt thép, cần lưu ý các vị trí cần thép chờ theo thiết kế (thép chờ dầm, sàn, cầu thang, tam cấp, dầm thang máy, thép râu xây tường, thép neo sàn để thi công,…).
  • Kiểm tra kích thước, vị trí dầm sàn tránh bị méo, sai lệch so với thiết kế.
  • Kiểm tra các vị trí chuẩn bị cho bồn hoa, lam, sê-nô, đan, mảng tường lồi, mái, …
  • Chỉ tháo cây chống cốp-pha sau ít nhất 10 ngày (kể cả khi có phụ gia đông kết nhanh) và chỉ được tháo sau khi đổ cách tầng.
  • Kiểm tra hệ thống ống điện, nước âm chờ phục vụ công tác điện nước.
  • Kiểm tra các vị trí sàn âm, giật cấp.
  • Kiểm tra vị trí chừa lỗ sàn cho hộp kĩ thuật
  • Sau khi tháo cốp-pha, cây chống khu vực nào thì xây khu vực đó.
  • Xây toàn bộ tường bao, tường ngăn chia phòng, tường vệ sinh.

  • Lắp dựng cửa trong quá trình xây.
  • Lắp đặt hệ thống điện, ống nước, ống máy lạnh, hộp nối điện, …
  • Kiểm tra kích thước và định vị cửa khi thi công.
  • Kiểm tra bề dày của tường xây theo bản vẽ thiết kế.
  • Kiểm tra hệ thống điện trên tường

Thi công hoàn thiện

Sau khi hoàn thiện phần thô sẽ tiến hành các bước hoàn thiện ngôi nhà

  • Tô vữa xi măng toàn bộ trần trước, tô vách tường trong nhà sau (nếu đó trần thạch cao thì không tô vữa trần bê tông mà chỉ vệ sinh làm sạch) toàn bộ công trình và sau cùng là tô hoàn thiện thi công mặt tiền – dặm vá tô tường theo đường điện.

  • Hệ thống hộp gain điện, nước sẽ xây tô sau khi lắp đặt và kiểm tra thử nước trước.
  • Sau khi xây tô trong nhà sẽ tiến hành công tác đóng trần thạch cao trang trí.
  • Cán nền xi măng các tầng lầu, sân thượng, mái, ban công, nhà vệ sinh.
  • Chống thấm sàn sân thượng, vệ sinh, mái, ban công.
  • Lát gạch sàn, len chân tường tầng trệt, các tầng lầu, sân thượng, vệ sinh, mái.
  • Ốp gạch trang trí mặt tiền, phòng vệ sinh, cầu thang.
  • Lắp đặt cửa, lan can cầu thang, tay vịn.
  • Bả mastic toàn bộ công trình.
  • Sơn nước lớp 1 toàn bộ công trình.
  • Sơn dầu toàn bộ cửa, lan can, khung sắt trong công trình.

  • Lắp đặt bồn nước, máy bơm nước, thiết bị vệ sinh, thử nước.
  • Lắp đặt hệ thống điện, đèn chiếu sáng (lắp đặt công tắc, ổ cắm, tủ điện, MCB, quạt hút, đèn trang trí, đèn chiếu sáng, đèn lon – không bao gồm lắp đặt các loại đèn chùm trang trí).
  • Lợp ngói mái, tole mái (nếu có).
  • Lắp đặt nội thất gỗ (nếu có)
  • Dọn dẹp vệ sinh công trình hàng ngày sau giờ làm.
  • Sơn nước lớp 2, dặm vá sơn nước toàn bộ công trình.
  • Vệ sinh cơ bản công trình trước khi bàn giao.

Công tác bàn giao

Nghiệm thu bàn giao là bước cuối cùng sau khi công trình hoàn tất, đây là quá trình so sánh, đối chiếu giữa bản vẽ thiết kế và công trình hoàn thiện. Sau khi bàn giao công trình, nhà thầu thi công có trách nghiệm bảo trì bảo hành cho công trình. Thời gian bảo hành phần kết cấu thường là 5 năm, phần hoàn thiện, chống thấm, chống dột là 1 năm tính từ thời điểm bàn giao công trình.

Nếu bạn đang có nhu cầu tìm kiếm nhà thầu xây nhà trọn gói chuyên nghiệp, uy tín xin vui lòng liên hệ ngay với chúng tôi để nhận được tư vấn miễn phí tốt nhất.

0979.603.425