Các bước xây nhà

Từ xưa đến nay việc xây nhà luôn là công việc quan trọng không kém chuyện “kiếm miếng cơm”. Bởi nhà ở không chỉ là nơi che mưa nắng mà còn là chốn đi về của chúng ta và thế hệ con cháu. Xây nhà dựng cửa chắc chắn, vững chãi vì thế mà trở thành niềm mong ước của rất nhiều người. Việc xây nhà không phải chuyện ngày một ngày hai mà xong được. Cần phải lập kế hoạch xây nhà, làm việc với nhà thiết kế, … Vậy bạn đã biết bắt đầu như thế nào chưa? Chúng ta cùng tìm hiểu nhé!

Giai đoạn chuẩn b

Đất

Người Việt Nam quan niệm việc xây nhà có ảnh hưởng rất lớn đến đường công danh, sự nghiệp của gia chủ, đặc biệt là hướng nhà. Vì vậy khi mua đất xây nhà bạn nên lựa chọn hướng nhà đẹp ( nam, đông nam) hoặc phù hợp với cung mệnh của gia chủ.

Ngoài ra, cần lựa chọn đất xây nhà ở những vị trí thuận lợi, giao thông thuận tiện, khu vực địa chất tốt, an ninh, diện tích đủ với nhu cầu sử dụng. Quan trọng là đất có giá trị pháp lý như có sổ hồng (sổ đỏ) hoặc các giấy tờ khác có giá trị pháp lý tương đương. 

Diện tích đủ với nhu cầu sử dụng ( quá to, xây lên không dùng hết công năng sẽ gây lãng phí, tốn kém vô ích). Mảnh đất lý tưởng có chiều rộng bằng 2/3 chiều dài.

Kiến thức

Nếu bạn là người xây nhà lần đầu, ắt hẳn bạn phải tìm hiểu xây nhà gồm có gì. Đầu tiên đó là xây thô và hoàn thiện nhà. Đây là hai hạng mục xây nhà tách riêng.

Ngoài ra còn rất nhiều điều phải nắm như cách tính diện tích xây dựng nhà ở để có chi phí thiết kế và xây dựng ban đầu, đơn giá xây nhà trọn gói, các loại móng nhà , hồ sơ thiết kế nhà gồm có gì, cách đọc bản vẽ thiết kế nhà, quy trình thiết kế nhà, quy trình nghiệm thu… Có rất nhiều thứ cần phải tìm hiểu trước khi quyết định sử dụng số tiền mình có để xây nhà.

Khảo sát địa chất công trình

Theo quy định của Bộ Xây Dựng: Nhà có diện tích > 250 m2, trên 3 tầng thì bắt buộc phải thuê nhà thầu có đủ năng lực hoạt động, chứng chỉ hành nghề làm công việc khảo sát.
Mục đích: Khảo sát địa chất công trình là cơ sở để thiết kế móng, kết cấu cho ngôi nhà đảm bảo không bị lún, sụt, nứt gãy trong tương lai.

Thiết kế

Trước hết bạn cần xác định rõ nhu cầu xây dựng, tức là cần xây bao nhiêu tầng, bao nhiêu phòng và dựa trên kinh phí mà bạn hay gia đình bạn có thể bỏ ra để xây dựng một ngôi nhà mới, hãy thiết kế ngôi nhà dựa trên những mong muốn và nhu cầu của gia đình mình. Đã qua cái thời xây nhà kiểu đơn giản hoá, dập khuân theo kiểu truyền thống, không đầy đủ tiện nghi và không tối ưu được không gian, diện tích, lỗi thời. Bản vẽ thiết kế rất quan trọng trong công tác xây dựng bởi nó bao gồm phần kiến trúc, kết cấu căn nhà, điện nước sinh hoạt. Nếu bạn muốn có một căn nhà đẹp nhưng không thể tự thiết kế thì có thể thuê người thiết kế.

Lợi ích của việc thuê người thiết kế:

  • Kiến trúc sư giúp ta hình dung được cụ thể ngôi nhà của mình, ta sẽ dễ dàng điều chỉnh trên bản vẽ theo phù hợp với ý muốn.
  • Chọn được phương án bố trí, kiểu nhà tối ưu ngay từ đầu mà trong quá trình xây dựng dễ làm việc với bên nhà thầu, tránh thay đổi, điều chỉnh khi thi công.

Kinh phí

Từ ý tưởng sơ bộ hãy áng chừng chi phí, có thể hỏi những người đã từng có kinh nghiệm trong việc này. Xác định khoảng tiền bỏ ra, hết tiền thì vay hay huy động ở đâu?. Đây là điều quan trọng nếu không muốn nhà xây dở dang, lãng phí tiền của và thời gian, cũng tránh tình trạng chủ nhà “ vung tay quá trán” rồi “kéo cày trả nợ” dài dài.

  • Hãy viết tất cả các khoản chi phí cần thanh toán, tính số tiền tổng xây dựng và hãy thêm 10%  trong tổng số để dự trù kinh phí (Phòng thay đổi khi bạn muốn thay đổi thiết kế ban đầu và thay đổi sang vật tư tốt hơn)
  • Tìm người lập dự toán. Họ sẽ làm công việc bóc tách, tính toán lượng vật tư,…và họ sẽ tính cho bạn kinh phí xây dựng một cách rất chính xác.

Thông thường sẽ bao gồm các loại chi phí sau:

  • Chi phí xin giấy phép xây dựng
  • Chi phí phá dỡ nhà cũ (nếu có).
  • Chi phí khảo sát địa chất và gia cố móng, ép cọc.
  • Chi phí thiết kế hồ sơ thi công nhà.
  • Chi phí xây thô và hoàn thiện nhà.
  • Chi phí giám sát.
  • Chi phí khác: Chi phí mềm (thanh tra xây dựng, đô thị, phòng cháy chữa cháy, an toàn lao động, hàng xóm,…)
  • Chi phí dự phòng cho các khoản phát sinh.
  • Chi phí mua sắm nội thất.
  • Chi phí hoàn công nhà.

Thủ tục pháp lý

Có nhiều thủ tục pháp lý cần nắm khi xây nhà như: giấy phép xây dựng, thủ tục thông báo khởi công, thủ tục thông báo tháo dỡ, hoàn công nhà. Chủ đầu tư nên thuê đơn vị nhà thầu thi công để được tư vấn và hỗ trợ tối đa nhất. Kinh nghiệm xây nhà cho chủ nhà:

  • Tìm hiểu ngôi nhà mình dự định xây có thuộc diện phải được cấp phép hay miễn.
  • Dành thời gian đi hỏi cơ quan chức năng, tìm hiểu quy định xây nhà tại địa bàn của nhà bạn:
  • Quy định về độ cao, phần nhô ra ngoài đường, % diện tích đất được xây, quy định về kiến trúc, quy định về tác động đến các công trình xung quanh hàng xóm,…
  • Yêu cầu về hồ sơ thiết kế, hồ sơ xin cấp phép.
  • Thời gian cơ quan cấp phép trả lời theo quy định là trên dưới 15 ngày.
  • Mỗi một công trình có quy mô, vai trò khác nhau sẽ do một đơn vị cấp giấy phép khác nhau, bạn phải tìm hiểu rõ để tìm đúng người đúng việc.

Kế hoạch thi công

Người Việt Nam xưa nay luôn quan niệm khi tiến hành xây nhà thì phải xem ngày làm nhà, ngày động thổ, để mọi chuyện diễn ra suôn sẻ.

Việc xác định kế hoạch thi công không chỉ xác định thời gian thi công cụ thể mà còn giúp chúng ta trong việc xác định những hạng mục cần làm trước để có sự chuẩn bị vật tư hợp lý hay các kế hoạch chuyển nhà hoặc chấm dứt hợp đồng thuê nhà. Không phải tất cả nhà thầu nào cũng đều kiểm soát được tiến độ thi công hãy cẩn thận khi lựa chọn nhà thầu.

Lựa chọn nhà thầu

Sau khi thống nhất bản vẽ kiến trúc cuối cùng thì chủ nhà hãy đi tìm nhà thầu thi công. Bạn cũng thể tìm ngay đơn vị xây nhà trọn gói (thường là miễn phí thiết kế) hoặc thi công trọn gói mà không cần thuê 1 đơn vị độc lập ở như ở trên

Việc lựa chọn nhà thầu tùy thuộc vào các tiêu chí sau:

  • Mức độ tin cậy của nhà thầu: mức độ tin cậy của một nhà thầu sẽ thể hiện trong những cam kết mà họ đặt ra, hiện nay có rất nhiều nhà thầu kém uy tín khi bán thầu hoặc sang nhượng một phần gói thầu cho công ty khác, dẫn đến chất lượng dịch vụ bị giảm suất và khó kiểm soát chất lượng thi công.
  • Giá cả thi công: Bạn không nên nhầm lẫn trong việc so sánh giá cả xây dựng trên m2 giữa các đơn vị nhà thầu, bởi vì cách tính m2 trong xây dựng rất khác so với thực tế, hơn nữa các nhà thầu đều cung cấp các gói thầu khác nhau nên khi so sánh giá cả bạn cần xem xét tổng giá trị hợp đồng, những hạng mục thi công, những cam kết bảo hành, dịch vụ đi kèm và cả vật liệu mà nhà thầu cung cấp.

Kinh nghiệm xây nhà là chọn:

  • Căn cứ vào các công trình tương tự nhà thầu đã làm trước đây, đi quan sát, hỏi để đánh giá được năng lực, kinh nghiệm, sự chuyên nghiệp và sự trong sạch của nhà thầu.
  • Nhà thầu phải có đầy đủ giấy tờ hợp pháp chứng minh có khả năng, năng lực thi công.
  • Sau khi lựa được vài nhà thầu tiếp theo hãy chọn theo tiêu chí Giá Cả. Sau khi thống nhất báo giá thi công thì tiến hành ký hợp đồng xây nhà.

Chuẩn bị măt bằng

  • Phá dỡ nhà cũ (nếu có).
  • Tập kết nguyên vật liệu (nếu không có mặt bằng có thể gửi lại tại kho của nhà cung cấp và gọi hàng theo đợt).
  • Làm lán trại cho công nhân.
  • Làm hàng rào che chắn, vách ngăn và bạt phủ cho công trình, đảm bảo an toàn cho mọi người và tài sản xung quanh.
  • Chuẩn bị nguồn điện và nước sẵn sàng cho thi công, có điện có nước mới làm cốp pha, sắt thép, trộn vữa, bê tông được cho nên nhất định phải chuẩn bị trước. Nhà ai thay tên đổi chủ đồng hồ điện nước cũng nên làm việc trước với bộ phận chuyên trách tại chính quyền địa phương.

Chuẩn bị vật tư

Thông thường các nhà thầu sẽ có các gói dịch vụ xây nhà như xây nhà trọn gói, hoàn thiện phần thô, hoàn thiện nội thất,.. Các nhà thầu sẽ cung cấp vật tư tùy theo yêu cầu của bạn, còn nếu bạn lựa chọn gói xây nhà thô và nhân công hoàn thiện thì bắt buộc phải tự mua vật tư và kiểm soát thi công. Nếu không có quen biết hay kinh nghiệm thi công phần hoàn thiện như lắp cửa, ốp đá, đóng trần thạch cao thì nên lựa chọn xây nhà trọn gói với báo giá chi tiết không phát sinh để đảm bảo chất lượng ngôi nhà. Nếu mặt bằng rộng có thể tập kết vật tư tại nơi thi công còn nếu mặt bằng hẹp bạn có thể chia ra nhiều đợt nhập vật tư.

Giai đoạn thi công

Thi công hoàn thiện phần thô và ngầm

Đây là phần cực kì quan trọng vì nó là phần khung xương cuả mỗi ngôi nhà.Trong công đoạn này điều quan trọng là làm sao để các công việc đi đúng hướng và chuẩn bị tiền bạc đầy đủ, tránh tình trạng chưa đến chợ đã hết tiền.

Hoàn thiện phần thô có thể hiểu là hoàn thiện phần sườn của ngôi nhà bao gồm:

  • Móng: đào đất, đắp đất, gia công cốp pha, cốt thép, đổ bê tông.
  • Hầm: Hầm nhà, gara, bể nước, bể phốt....
  • Thân: Gia công cốt pha, cốt thép, đổ bê tông cột, sàn, dầm, xây tô, cán nền,…
  • Mái: Lắp dựng xà gỗ, lọt mái.
  • Lắp khung bao cửa.
  • Hệ thống đường ống, điện, nước, mạng,cáp,…

Thi công hoàn thiện

Nhiều gia chủ nghĩ khi làm đến đây, công việc đã nhẹ nhàng hơn, tuy nhiên thực tế cho thấy phần hoàn thiện lại là phần tốn nhiều thời gian và tiền bạc nhất. Các gia chủ nên tính toán, cân đối các phần trang trí trong ngôi nhà nếu ngân sách không cho phép.

Giai đoạn hoàn thiện bao gồm việc hoàn thiện nhà xây thô và hoàn thiện nội thất.

Các mục thi công hoàn thiện thường là

  • Lát nền, đóng trần.
  • Làm mộc: cửa chính, cửa sổ, bếp, cầu thang.
  • Sơn trong, ngoài và chống thấm.
  • Lắp đặt các thiết bị đèn, máy lạnh, bồn nước…
  • Lắp đặt thiết bị vệ sinh.
  • May màn, rèm cửa chính và cửa sổ.
  • Mua sắm các trang thiết bị nội thất khác như sofa, tivi, tủ lạnh, máy lạnh…
  • Rà soát và yêu cầu nhà thầu sửa chữa những chỗ có sai sót.
  • Làm vệ sinh nhà sạch sẽ trước khi dọn đến ở.

Hoàn thiện nội thất nên có một bản thiết kế nội thất và nhờ kiến trúc sư của nhà thầu thiết kế và để họ báo giá. 

Giám sát quá trình xây dựng và nghiệm thu

Đây là một công việc sẽ song song với quá trình xây dựng để đảm bảo công trình theo đúng tiến độ, chât lượng, tiết kiệm thời gian và chi phí cho gia chủ.

Giám sát

Gia chủ có thể trực tiếp làm nhiệm vụ giám sát (nếu có thời gian và kiến thức), hoặc nhờ người thân đáng tin cậy hay thuê các công ty giám sát có uy tín.

  • Thường xuyên theo dõi chất lượng thi công của nhà thầu. Kiểm tra vật tư có đúng mẫu mã, chất lượng, quy cách hàng như đã đặt trước đó.
  • Kiểm tra số lượng vật tư cần thiết có đủ cho tiến độ công trình.
  • Thúc đẩy thi công nhằm bảo đảm tiến độ.
  • Thường xuyên kiểm tra công tác thực hiện an toàn lao động.

Nghiệm thu

Chủ nhà, nhà thầu xây dựng và nhà thầu tư vấn thiết kế phải tổ chức nghiệm thu, lập biên bản nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng trước khi đưa công trình vào khai thác sử dụng.

  • Nghiệm thu theo từng hạng mục.
  • Lập bảng thống kê để dễ theo dõi.
  • Các bên có liên quan phải có trách nhiệm sửa chữa và khắc phục nếu có sự cố.
  • Biên bản nghiệm thu là cơ sở thanh toán cho nhà thầu.
  • Các bộ phận bị che khuất của công trình (ví dụ hầm, hố, đường ống nước, điện âm tường…) phải được nghiệm thu và làm bản vẽ hoàn công trước khi tiến hành các công việc tiếp theo.

Trên đây chính là quy trình xây dựng và giám sát xây dựng một ngôi nhà hoàn chỉnh. Hy vọng bài viết giúp ích cho cô chú, anh chị trong quá trình xây ngôi nhà như ý của gia đình.

0979.603.425